Độc lập cảm xúc
Hà Nội, 2021/6/13
Khái niệm này, do mình tự đặt ra.
Hàn Mặc Tử có viết hai câu như thế này:
"Người đi một nửa hồn tôi chết
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ"
Thật ra, chả bao giờ chúng ta trao một nửa tâm hồn cho ai cả. Chúng ta để nửa tâm hồn chết khi một ai đó rời đi, là vì chính chúng ta đã để cho bản thân quá phụ thuộc vào đối phương, nên đến khi người ta rời đi, mới bị rơi vào tình thế đau khổ đến như vậy. (*)
Khi nói đến độc lập, người ta hay nghĩ đến độc lập tài chính nhiều hơn. Mình cũng không rõ, vì độc lập tài chính được, nên chúng ta tự tin hơn và cảm xúc chúng ta độc lập được. Hay là vì, chúng ta độc lập cảm xúc được nên có nền chắc để độc lập tài chính, và độc lập trong việc đưa ra quyết định riêng của bản thân. Hoặc là, chúng chả có liên quan gì đến nhau cả.
Mình cũng không rõ có một thước đo nào cụ thể, đo được mức độ độc lập về cảm xúc của một con người hay không. Kiểu dạng như, các cấp độ đánh giá mức độ mà chúng ta không bị lung lay khi bị người khác góp ý, chỉ trích; Mức độ đau lòng khi một ai đấy mà chúng ta thương rời đi;...
Khi mà sống trong một môi trường chi phối bởi nhiều các mối quan hệ, cảm xúc chắc chắn sẽ giao động. Cậu có chắc là cảm xúc của chúng ta sẽ luôn độc lập được một cách tuyệt đối không?
Khi viết những dòng này, mình vẫn đang rơi vào tình trạng lơ lửng cảm xúc. Thế mà cách đây một thời gian, mình đã từng tự tin, cảm xúc của mình đang là của mình, và mình hoàn toàn có thể điều khiển được.
Rõ ràng, cảm xúc là do chúng ta điều khiển, nhưng có khi lại chả bao giờ độc lập được...
Không biết nữa!
P.s: (*) Đoạn này có sử dụng ý tham khảo từ quyền Hiểu về trái tim, tác giả Minh Niệm.
Nhận xét